Chú Giải Tin Mừng Thứ Ba Tuần XVII Mùa Thường Niên (Mt 13,36-42) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN XVII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 13,36-42

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Xh 33,7-11. 34,5-9.28

Môsê hạ nhà xếp, đem dựng ra một khoảng ở ngoài trại và đặt tên là Nhà xếp Giao ước. Ai trong dân có điều gì muốn hỏi, thì đến nhà xếp ở ngoài trại.

Tôi mường tượng ra căn lều nhỏ biệt lập này xa khỏi tiếng động của trại. Con người cần yên lặng và vắng vẻ để gặp gỡ Chúa.

Thỉnh thoảng tôi có biết tách mình ra không?

Khi Môsê vào nhà xếp giao đức, thì có một cột mây rơi xuống và dừng lại tại cửa, và Chúa đàm đạo cùng Môsê, diện đối diện như người ta quen đàm đạo với bạn hữu mình.

Ta đừng nghĩ tới một phép lạ khả giác. Điều này sẽ mâu thuẫn với những quả quyết trên kia về sự vô hình và thiêng liêng tuyệt đối của Thiên Chúa.

Nhưng, những diễn tả trên muốn cho chúng ta hiểu Môsê là một con người cầu nguyện thân tín của Chúa, thân mật với Người như một người bạn đối với bạn mình. Như thế, Môsê không chỉ là lãnh tụ, con ngươi hành động mà ta đã thấy khi ông dấn thân phục vụ người khác…ông còn là nhà thần bí nuôi dưỡng sự dấn thân của mình bằng sự chiêm niệm.

Do đó, người ta hiểu rằng Môsê có thể kết hiệp thâm sâu biết bao với những quan điểm của 'Thiên Chúa và những hành động thắm tình yêu cứu rỗi của Người.

Môsê cầu khẩn danh Chúa. Chúa đi qua trước mặt ông và nói: Ta là Chúa, Thiên Chúa chạnh thương, huệ ái bao dung và đầy nhân nghĩa tín thành.

Chương này tiếp liền ngay sau cảnh tượng “bò bằng vàng" Thiên Chúa tỏ mình như thế cũng là Đấng tỏ mình trong Tin Mừng của Chúa Giêsu. Chúng ta đã đoán biết những dụ ngôn lòng thương xót, tình yêu của Chúa Kitô đối với các tội nhân.

Thiên Chúa nhân ái.

Thiên Chúa khoan.

Con phó thác mình con cho tình yêu Chúa. Con phó dâng cả nhân loại cho tình yêu Chúa.

Thiên Chúa đầy nhân nghĩa tín thành, giữ nghĩa cho đến ngàn đời, chịu đựng lỗi lầm quá phạm, tội khiên nhưng không coi tội dưỡng thể vô can Đấng trị tội cha trên con cháu ba bốn đời.

Lời này xem ra cứng cỏi đối với chúng ta, đã quả quyết hai chân lý ta phải đón nhận:

1. Sự thánh thiện vô cùng của Thiên Chúa không thể vô tư trước sự dữ (và chính vì lợi ích chúng ta ).

2. Lòng nhân từ vô cùng của Thiên Chúa, nhẫn nại và cho có thời giờ để hối cải.

Ta ghi nhận sự khác biệt về tỉ lệ giữa hình phạt và sự dung thứ: "bốn đời"... "ngàn đời”. Dĩ nhiên đây chỉ là một cách nói, nhưng hùng hồn biết bao khi nói rằng Thiên Chúa nếu đôi khi bị ép buộc, vẫn không thích phạt.

Dân Israel đã kinh nghiệm nhiều lần. Và ở đây, trước hết, sau sự bất trung. Còn con? Lạy Chúa, con gợi nhớ những bất trung của con đối với tình yêu Chúa. Và con cảm tạ vì sự nhẫn nại vô bờ của Chúa đối với con.

Ong Môsê ở đó với Chúa bốn mươi đêm ngày, không ăn bánh và không uống nước... vì dân này là dân cứng đầu! Và xin Chúa tha thứ sự gian ác và tội lỗi chúng con. Xin nhận chúng con là cơ nghiệp của Chúa.

Ôi lời kinh đáng phục của Môsê. Với ông, tôi cầu nguyện cho thế giới HÔM NAY.

Chúa ghi mười hai giao ước vào bia đá.

Người viết lần thứ hai. Người lại ban một cơ may cho dân này.

Bài đọc II: Gr 14,17-22

Trọn cả đoạn 14 này là một kiểu nghi thức phụng vụ khẩn cầu, được Giêrêmia sáng tác, làm lời Kính trọng thể được sử dụng tại Giêrusalem dưới thời vua Gioakim, nhân một mùa hạn hán lâu dài (Gr 14,1-3; 4-5). Các người nhà giàu sai dân nghèo đi kiếm nước uống, họ đến các giếng nước mà không tìm thấy nước... Họ phải mang vò về không... Đất đai khô nẻ. Chính nai mẹ cũng bỏ rơi đàn con vì thiếu cỏ...

Đức Giavê phán với tôi thế này: “Người nói với chúng lời này: mắt tôi trào suối lệ đêm ngày chẳng khi ngừng, vì trinh nữ, con gái của dân tôi, đã bị đánh nhừ đòn, vết trọng thương hết đường cứu chữa. Bước chân ra đồng nội, này kẻ chết vì gươm, quay gót trở về thành, họ bao người đói lả.

Mắt của vị ngôn sứ nhòa lệ ngày đêm. Tính mẫn cảm của Giêrêmia: biểu lộ tính mẫn cảm của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa sai ông đi tuyên bố lời đó.

Thiên Chúa nhân ái, Thiên Chúa biết “khóc thương" trên nỗi khốn khổ của con cái Người.

Thực ra, đó là một kiểu nói, chứ Thiên Chúa không có xác thể Người ta gọi cách diễn tả này là kiểu nói “thần nhân đồng hình" mượn những tâm tình của con người để áp dụng cho Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đừng quên rằng tâm tình ấy cũng loan báo cách mầu nhiệm ngày mà Thiên Chúa mặc "xác phàm" và sẽ khóc thật trước cái chết của bạn thân Người là Ladarô. (Ga 11,35).

Phần tôi cũng thế, khi tôi biết khóc vì xót thương tình cảnh khốn khó của người khác, là tôi trở nên thân thể của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho lòng con biết nhạy cảm vì nỗi cơ cực của tất cả mọi người.

Cả tiên tri cũng là tư tế rảo khắp nơi mà chẳng hiểu gì. Và họ nói: “Lạy Chúa, phải chăng, Người đã quyết từ bỏ Giuđa? Lòng Người ghê tởm Sion nữa? Vậy cớ sao Người đánh phạt chúng con đến vô phương chạy chữa?”

Thực ra, lạy Chúa, chúng con tự đặt ra những câu hỏi này mà không hiểu tí nào, tại sao có đau khổ? đói khát? tại sao các ngươi vô tội và cả các con vật cũng phải đau khổ? Tại sao, trong vũ trụ có biết bao tiếng kêu la, biết bao máu chảy, bao người bệnh hoạn, và nhiều người tật nguyền "vô phương cứu chữa”.

Lạy Chúa, chúng con hướng về Chúa mà vang lên những tiếng kêu la, những câu thắc mắc này? Phải dựa vào những vấn đề thực tế của thế giới mà cầu xin như thế.

Lạy Chúa chúng con nhận rằng mình bất nghĩa và cha ông gian ác đã nhiều: quả chúng con từng lỗi phạm đến người.

Cũng có một phần đau khổ không do lỗi của người nào. Nhưng cũng có một phần do các lỗi ích kỷ, biếng trễ, dốt nát, cẩu thả bất công.

Chúng con đã phạm tội... Chúng con nhận biết điều đó...Lạy Chúa, xin giúp chúng con, cá nhân cũng như tập thể, giảm bớt đi phần đau khổ do tội lỗi loài người gây nên.

Vì danh Người, lạy Chúa, xin đừng từ rãy. Xin đừng hạ nhục tòa vinh hiển Người. Dám xin Người nhớ lại đừng hủy bỏ giao ước Người với chúng con.

Người ta có thể dùng sự việc này để khôn khéo buộc Người làm theo ý mình: "Vì quyền lợi của Người, lạy Chúa. Nếu Người cứ để người ta cảm nghĩ rằng Người không hiện diện, hay Người bất lực không ngăn nổi sự dử, thì chính người làm ô danh Người ".

Chúng ta cả dám cầu xin như thế để chứng tỏ rằng ta có thể nói bất cứ điều gì với Chúa.

Chúng ta có một thái độ can đảm một đức tin như thế không?

Ôi lạy Chúa, chúng con hy vọng nơi Người.

Tiếng kêu hy vọng này kết liễu tiếng kêu thất vọng.

BÀI TIN MỪNG: Mt 13,36-43

Sau đó, Đức Giêsu bỏ dân chúng mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người mà thưa rằng: Xin Thầy giải nghĩa rõ hơn…

Mátthêu phân biệt rõ, giữa một giáo huấn công khai

ban cho mọi người, và một giải thích sâu, xa chỉ dành cho những ai để ý tìm kiếm hơn…

Tôi có thuộc vào số những người ham tìm hiểu hay nằm trong loại người tự bằng lòng với cái tối thiểu?

Lạy Chúa, xin giải nghĩa cho chúng con. Xin phán dạy chúng con…

Giây phút này, chúng con không cần làm gì khác hơn là lắng nghe Chúa.

Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.

Đức Giêsu là kẻ gieo hạt.

Đức Giêsu là kẻ gieo hạt giống tốt.

“Người ngang qua đâu đều gieo sự tốt lành" chỉ là thiện hảo, không có chi là xấu ác.

Còn tôi thì sao?

Ruộng là thế gian.

Cái nhìn thật là thực tế.

Đức Giêsu gieo hạt vào thời hiện tại của thế giới …ngay chính lúc đó.

Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời.

Một câu nói gây ngỡ ngàng!

Hạt giống Đức Giêsu gieo, trong lúc này, giữa thế gian, là chính “chúng ta”. Con cái Nước Trời: Thật là một trách nhiệm phi thường vượt quá khả năng nhân loại của chúng ta.

Tôi là một "hạt giống" cho Thiên Chúa.

Đức Giêsu, gieo tôi ở đâu, là để tôi trở nên nguồn sống ở đó.

Cỏ lùng là con cái ác thần.

Đây là quan niệm bi đát về đời mình.

Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ.

Con người có một bạn thân, là Thiên Chúa, nhưng cũng có một kẻ thù, đó là ma quỷ.

Tôi lắng nghe điều đó. Đời sống con người không phải là không đáng kể, vô hại, hồn nhiên, dửng dưng, không tốt không xấu... như một số người cố làm cho ta tin như thế. Hành vi của con người không phải là không màu, không mùi, không vị.

Một số hành động trở nên “yếu tố phá hoại" con người, đối nghịch với con người…

Trái lại, cũng có những việc làm là "nhân tố xây dựng” con người, thân hữu với con người.

Mùa gặt là ngày tận thế.

Như một phản ứng tự phát, cái nhìn của Đức Giêsu nhắm thẳng tới sự tận cùng đó... Người nhìn xa... Người hướng tới mục đích! công trình hoàn tất! mùa thu hoạch đang chuẩn bị.

Cái nhìn của tôi không thường quá hạn hẹp? Không bị khựng lại trước cái tức thì, không mong ước có ngay kết quả sao? Tôi dành thời gian để nghĩ tới vụ gặt. Tôi hy vọng. Tôi muốn bình tĩnh. Tối muốn kiên trì làm việc để cho mùa lúa chín muồi.

Thợ gặt là các thiên thần… Con Người sẽ sai các thiên sứ của mình tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu, và mọi kẻ làm điều gian ác và quăng chúng vào lò thiêu.

Đức Giêsu sử dụng tất cả hình ảnh mượn vay mượn trong kho từ vựng hiện hành của thời Người: Chung thẩm, là một hủy diệt trọn vẹn mọi sự ác dữ (rõ ràng, không nên cắt nghĩa theo mặt chữ, nhưng cần phải vượt qua những hình ảnh).

Con người công chính, thì ngày đó sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ.

Cũng như lửa, mặt trời là một hình ảnh. Một hình ảnh rất đẹp.

Trong những tháng hè, người ta rất ham thích mặt trời.

"Trong nước của Cha họ”: Thiên Chúa. Ngày thế mạt. Mùa gặt. Đó là được ở cùng Thiên Chúa, được yêu thương vô biên, được cưng chiều vô hạn, được sống vĩnh viễn.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Đức Giê Su giải thích dụ ngôn cỏ lùng

HOÀN CẢNH:

Dụ ngôn cỏ lùng Mt 13,24-30, tập trung vào hạt giống tốt, tượng trương cho Tin-Mừng (Nước-Trời ), trong bài Tin-Mừng hôm nay ( 13,36-42) Đức Giê Su giải thích cho các Tông Đồ theo nghĩa dụ ngôn, theo đó hạt giống là con cái Nước-Trời, và nhấn mạnh đến ngày tận thế (mùa gặt), lúc kẻ lành người dữ được phán xét và phân biệt rõ ràng.

Ý CHÍNH:

Bài Tin-Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giê Su giải thích cho các Tông Đồ về ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng.

TÌM HIỂU:

36“Đức Giê Su bỏ đám đông mà về nhà…”:

sau khi giảng đạo nơi đông dân chúng ồn ào và phức tạp, Đức Giê Su cùng với các môn đệ trở về nhà, nơi riêng tư và thuận tiện cho việc bộc bạch tâm tư nguyện vọng thầm kín. Vì thế các môn đệ cởi mở và thân tình hỏi Đức Giê Su về ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng.

37-39 “Người đáp…”:

kẻ gieo giống tốt là con người: Đức Giê Su đến thế gian để cứu chuộc muôn dân: vì ý của Thiên-Chúa Cha là muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi. Vì thế mọi việc Đức Giê Su làm đều tốt đẹp.

Ruộng là thế gian: diễn tả nơi chung đụng giữa lành và dữ, giữa kẻ tốt và người xấu…

Hạt giống tốt, đó là con cái Nước-Trời: mọi việc Thiên-Chúa làm đều tốt đẹp.

Con người được Thiên-Chúa tạo dựng giống hình ảnh Thiên-Chúa: nhân chi sơ tính bản thiện; mọi việc Chúa tạo dựng đều tốt đẹp: vườn địa đàng.

Cỏ lùng là con cái ác thần: những sự dữ và kẻ dữ là do kẻ xấu, kẻ ác mà ở đây gọi là ác thần gây ra. Câu chuyện A-đam và Eva bị ma quỷ cám dỗ ăn trái cấm là tiêu biểu …

Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ: mọi sự dữ đều do bởi ma quỷ mà ra. Mọi sự dữ trên thế gian này đều do ma quỷ và thuộc về ma quỷ, vì ma quỷ là kẻ chống đối lại Thiên-Chúa và gây tai hại cho loài người.

Mùa gặt là ngày tận thế: giờ chết là ngày phán xét để phân biệt thiện và ác, tốt và xấu , kẻ lành và kẻ dữ.

Thợ gặt là thiên thần thổi loa tập trung kẻ lành để thưởng kẻ dữ để phạt.

40-42“Như người ta nhặt cỏ lùng…”:

Đức Giê Su dùng hình ảnh mùa gặt phân biệt cỏ lùng với lúa để diễn tả ngày tận thế và giờ chết của mỗi người. Số phận kẻ lành được ví như lúa và thu vào khu lẫm, tức là Nước-Trời ở đời sau, và số phận kẻ dữ được ví như cỏ lùng bị loại ra khỏi Nước-Trời và bị hình phạt trong lửa luyện ngục.

43 “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi….”:

câu kết này sẽ nhấn mạnh đến hạnh phúc và phẩm giá của kẻ lành là được thông dự vào vinh quang của Thiên-Chúa.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

Qua bài Tin-Mừng này, chúng ta nhận thức rằng:

1. Thế gian nói chung và Hội Thánh nói riêng, vẫn có kẻ lành người dữ, kẻ tốt người xấu chung lẫn lộn với nhau: phải đợi đến ngày tận thế mới phân biệt rõ ràng.

Vì thế chúng ta cần phải bình tĩnh và chịu đựng những người xấu, đừng bao giờ ngã lòng.

2. Thiên-Chúa không trừng phạt kẻ có tội khi đang còn ở đời này (không nhổ cỏ lùng trong ruộng lúa) chỉ vì Người khoan dung và kiên nhẫn chờ đợi tội nhân trở về để được ơn tha thứ.

Vì vậy khi phải sống chung với người xấu, chúng ta không nên có thái độ tru diệt họ, như xin lửa trên trời xuống thiêu hủy họ, nhưng phải có lòng khoan dung giúp đỡ họ trở lại theo cách thức như men trong bột, như muối ướp cá hay như ánh sáng trong đêm tối.

3. “Kẻ gieo giống tốt là Con Người”: Thiên-Chúa là Đấng tốt lành và thánh thiện nên Người làm mọi việc đều tốt lành. Điều này gợi lên cho chúng ta:

Mọi sự tốt lành đều bởi Thiên-Chúa, vì thế ai sống tốt và làm điều tốt thì thuộc về Thiên-Chúa. Nhưng cần lưu ý:

+ Tốt theo bản chất, nghĩa là tự nó là điều tốt chứ không xấu.

+ Tốt theo việc làm:nghĩa là cách làm và phương tiện làm không gây ra sự xấu.

+ Tốt theo cùng đích: nghĩa là cái tốt đó có giá trị làm vinh danh Thiên-Chúa và mưu ích cho con người.

4. “Hạt giống tốt, đó là con cái Nước-Trời”: Sống tốt và làm điều tốt, đó là chứng thực thuộc về con cái Thiên-Chúa. Vì thế người Kitô hữu phải ra sức sống tốt lành để làm chứng nhân cho Thiên-Chúa là Đấng tốt lành.

5. “Cỏ lùng là con cái ác thần”: Sự dữ, và kẻ làm sự dữ là dấu chỉ thuộc về ma quỷ và nô lệ cho ma quỷ. Vì thế chúng ta không thể làm điều xấu để biện minh cho mục đích tốt được! Như ăn cắp để có tiền giúp đỡ người khác.

6. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Ma quỷ thường xúi giục chúng ta làm điều xấu và cám dỗ chúng ta sống ngược lại đường lối tốt lành của Chúa. Điều này cảnh giác chúng ta phải biết đề phòng và giữ mình để khỏi mọi sự dữ và phải biết trung thành với Chúa trong mọi nơi mọi lúc và mọi việc để khỏi bất trung phản bội ơn Chúa.

Nhận thức ma quỷ là kẻ gieo rắc sự dữ, nên chúng ta phải khiêm nhường và thành thực nhận ra rằng ma quỷ thường gieo mầm mống sai lạc và tội lỗi vào tâm trí và ý nghĩ của chúng ta, khiến chúng ta làm sự dữ và trở thành con người xấu trước mặt Thiên-Chúa và với người khác.

7. “Người công chính sẽ chói lọi như mặt trời”:

- Những việc lành chúng ta làm dù âm thầm và nhỏ mọn đến đâu đi nữa, cũng được sáng ngời trong ngày phán xét.

- Những việc tốt ta làm với lòng ngay và với cách thức phù hợp với giáo huấn của Chúa, thì có hiệu quả lớn lao cho phần rỗi của chúng ta.

- Chúng ta kiên trì và nhẫn nại làm những việc làm những việc lành phúc đức dù người đời đón nhận hay từ chối, khích lệ hay hiểu lầm … vì trong giờ phán xét những việc đó mới biểu lộ giá trị đích thực trước mặt Chúa.

- Những việc lành phúc đức chúng ta làm khi còn sống, có giá trị như giấy thông hành để được vào Nước Thiên Chúa.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.